5 cách kiểm tra xem bất động sản có đang bị thế chấp ngân hàng hay không?
Việc mua bán BĐS đang thế chấp chỉ hợp pháp khi có sự đồng ý của bên nhận thế chấp – ngân hàng. Trường hợp bên bán cố tình giấu giếm giao dịch này thì việc mua bán nhà dù đã lập thành hợp đồng cũng trở nên vô nghĩa, bên mua rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Vậy để tránh rủi ro, người mua có thể kiểm tra BĐS đang bị thế chấp hay không bằng cách nào?
1. Tìm hiểu thông tin người bán
Để tránh việc mua bán nhà đang bị thế chấp, người mua nên tham khảo thông tin và liên hệ cơ sở mua bán BĐS uy tín. Nếu không phải là mua bán từ chỗ thân quen thì bạn nên chọn các cơ sở môi giới có giấy tờ hoạt động hợp pháp, làm việc minh bạch, chuyên nghiệp và được nhiều khách hàng tin tưởng.
Tuy nhiên, để chắc chắn nhất thì trước khi giao dịch, người mua vẫn phải kiểm tra kỹ lại thông tin về bên bán. Chẳng hạn điều tra xem người bán có đang vướng mắc nợ nần nên cần thế chấp tài sản để giải quyết hay không? Liệu người bán có liên quan đến các giao dịch vay nóng, vay lãi cao nào chưa? Trong quá trình giao dịch, người đó có thành thật và công khai các giấy tờ chứng minh thực trạng của BĐS không? Có lảng tránh khi bạn hỏi đến vấn đề thế chấp BĐS tại ngân hàng hay không?… Những thông tin này bạn có thể tìm hiểu qua việc tiếp xúc, nói chuyện hoặc dò hỏi hàng xóm nơi người bán sinh sống.
2. Tra cứu thông tin tại phòng công chứng
Với cách làm này, người mua trước hết phải yêu cầu người bán cung cấp bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (sổ đỏ/sổ hồng). Sau đó, bạn đem bản photo này đến văn phòng công chứng để họ tra cứu thông tin xem nhà, đất đó có đang thế chấp ngân hàng hay không. Lưu ý, tùy vào quy định của mỗi văn phòng công chứng mà việc tra cứu này có thể được miễn phí hoặc mất phí.
Kể cả khi đã xác minh được nhà đang thế chấp và ngân hàng cũng cho phép mua bán, bạn vẫn cần tới sự hỗ trợ của văn phòng công chứng để tránh sơ hở trong giao dịch. Cụ thể, người mua nên mang tất cả những giấy tờ liên quan đến việc mua bán BĐS ra phòng công chứng, nơi sẽ làm hợp đồng mua bán để được kiểm tra và tư vấn những rủi ro tiềm ẩn.
3. Kiểm tra thông tin tại cơ quan có thẩm quyền
Để biết BĐS có đang thế chấp ngân hàng hay không bạn cũng có thể kiểm tra thông qua Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà, đất đó. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có hiệu quả khi bên bán thế chấp BĐS cho ngân hàng. Còn nếu thế chấp cho các cá nhân hoặc tổ chức cho vay nóng, lãi cao thì bạn sẽ không thể kiểm tra được thông tin này tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
4. Hỏi những người dân xung quanh khu vực
Khi bên bán thế chấp BĐS cho các tổ chức vay nóng và bạn không thể kiểm tra thông tin tại cơ quan chức năng, việc dò hỏi người dân trong khu vực được cho là một cách làm hiệu quả. Bạn có thể hỏi họ về thông tin người bán cũng như BĐS định mua, ví dụ như người bán là người thế nào? BĐS đó có đúng là thuộc quyền sở hữu của họ hay không? Vấn đề an ninh ở địa chỉ đó ra sao, có thấy ai đến đòi tiền hay siết nợ gì không?,,,
5. Chú ý hợp đồng đặt cọc
Trường hợp bên bán cố tình giấu diếm chuyện BĐS đang thế chấp, thì hợp đồng đặt cọc sẽ là một bằng chứng hữu ích giúp người mua bảo vệ được quyền lợi của mình. Thông thường, khoản tiền đặt cọc sẽ không vượt quá 10% giá trị mua bán, đồng thời trong hợp đồng đặt cọc phải nêu đầy đủ các thông tin như: Thời gian và địa điểm đặt cọc, thông tin các bên tham gia giao dịch, hình thức thanh toán, xử lý tiền đặt cọc khi phát hiện hành vi vi phạm hợp đồng…
Trường hợp bên bán công khai hoặc người mua phát hiện ra rằng BĐS định mua đang thế chấp, bạn cần lập biên bản cam kết 3 bên gồm: bạn (người mua) – người bán (bên thế chấp) – ngân hàng (bên nhận thế chấp). Nội dung biên bản sẽ liên quan đến việc thanh toán tiền mua giữa bên bán với bên mua và thanh toán tiền nợ giữa bên bán với ngân hàng. Văn bản này sẽ giúp ràng buộc quyền, nghĩa vụ của cả 3 bên trong việc thanh toán tiền, xử lý vi phạm hợp đồng cũng như xử lý tài sản là căn nhà thế chấp.
(Theo BDS.COM.VN)
————————————————————————
Hi vọng, những thông tin trên sẽ thực sự hữu ích đối với các bạn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư, anh/chị/em môi giới, những người quan tâm đến bất động sản.
Anh (Chị) có thể vào mục kiến thức hữu ích để biết thêm nhiều thông tin về bất động sản
Các kiến thức chuyên sâu về pháp lý trong kinh doanh BĐS được truyền tải đầy đủ và chi tiết trong khóa học CHUYÊN GIA MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN – REAL ESTATE BROKERS , đây là khóa học rất cần thiết đối với các nhà môi giới , nhà đầu tư bất động sản.