TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, doanh nghiệp bất động sản hiện nay cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ suất; chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi. Đặc biệt, phục hồi xanh, tăng trưởng xanh bởi bất động sản xanh đang là xu thế.
Thị trường bất động sản gặp nhiều thách thức
Tại Hội thảo “Đầu tư bất động sản trong thời kỳ mới” do Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản tổ chức vào chiều 29/10, nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản Việt Nam cho biết, bất động sản hiện nay đang ở trong giai đoạn nhiều thách thức. Do hiện nay nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước những tác động của chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng kinh tế thế giới đang cận kề và lan rộng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát đặc biệt thị trường tài chính đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản…
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng từ tháng 3 đến nay có nhiều biến động, khó khăn. Hiện chúng ta đang ở trong thế giới với nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội.
“Tuy nhiên, vai trò của thị trường bất động sản hiện nay không thể phủ nhận. Bởi đây là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản, có khoảng 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến thị trường bất động sản. Đồng thời, ngành bất động sản cũng đóng góp GDP vào nền kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước”, TS. Lực nói.
Theo TS. Lực, nguồn vốn đối với thị trường bất động sản năm 2022 chủ yếu đến từ 4 nguồn, gồm: Vốn tín dụng bất động sản (đến tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2,4 triệu tỷ đồng); vốn tư nhân (hết tháng 10/2022, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 7.725 doanh nghiệp, vốn đăng ký 414.000 tỷ đồng); vốn FDI (hết tháng 9/2022, tổng vốn đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 3,5 tỷ USD); phát hành trái phiếu doanh nghiệp (hết tháng 9/2022, toàn thị trường phát hành 259.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 50.000 tỷ đồng).
“Bất động sản trong trong năm 2022-2023 đứng trước nhiều thách thức như: Nguồn cung còn khan hiếm, chưa dồi dào ngay; giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh và còn ở mức cao; chính phủ chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp; giá bất động sản vẫn tăng nhẹ; thể chế sửa đổi”, TS. Lực nói.
Trước những thách thức trên, TS. Lực cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ suất; chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi. Đặc biệt, phục hồi xanh, tăng trưởng xanh bởi bất động sản xanh đang là xu thế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới; thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro… là tất yếu.
Phân khúc nào lên ngôi?
Tại hội thảo, chuyên gia Phan Công Chánh (Chuyên gia bất động sản cá nhân) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế giai đoạn 2022-2023 sẽ phù hợp với nhóm nhà đầu tư thận trọng do các bất ổn trong dòng chảy kinh tế chính trị thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay.
Cùng với đó, việc điều chỉnh khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cho danh mục theo hướng ưu tiên nhiều hơn cho tỷ trọng tài sản theo mô hình kim tự tháp là bảo vệ (lớp đáy) và tài sản tiết kiệm (lớp giữa), hạ thấp tỷ trọng đối với loại tài sản đầu tư (lớp ngọn) cho giai đoạn 2022 2023.
Chuyên gia cũng gợi ý một số phân khúc sinh lợi kép có thể đầu tư trong thời kỳ mới. Trong đó, nhà phố xây mới 100% giá khoảng 3,5 tỷ đồng; đất 1.000m2 làm secondhome giá 2-5 tỷ đồng; đất ở ven biển, sông, hồ giá khoảng 5-10 tỷ đồng.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Ngọc, Chuyên gia Nghiên cứu và đào tạo phát triển Bất động sản Nông nghiệp đa dụng, dự báo phân khúc đất nông nghiệp đa dụng sẽ là phân khúc có triển vọng dẫn dắt thị trường bất động sản trong giai đoạn đến. Tuy nhiên, TS. Ngọc lưu ý, việc đầu tư bất động sản nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, rủi ro về pháp lý và rủi ro về tài sản.
“Nhà đầu tư cần lựa chọn khôn ngoan khi đầu tư bất động sản nông nghiệp đa dụng với việc lựa chọn vùng, địa bàn và vị trí, lựa chọn phân khúc sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ; khả năng cải tạo, kinh doanh sản phẩm. Ngoài ra, vị thế – chất lượng; thời điểm, đối tác, công nghệ, chu kỳ đầu tư cũng là những yếu tố cần xem xét khi lựa chọn đầu tư loại hình bất động sản này”, TS. Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.
Nguồn: Báo Nhà đầu tư