Với những thay đổi ở môi trường vĩ mô, chu kỳ mới của bất động sản sẽ bắt đầu, có những yêu cầu khắc khe hơn và hướng thị trường bất động sản bền vững hơn.
Ngày 9/11, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản phối hợp với Hội đồng Bất động sản Việt Nam (VREC) trực thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản tổ chức Diễn đàn Bất động sản Quốc gia 2024 với chủ đề “Vững tâm vào chu kỳ mới” tại Đà Nẵng. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về thị trường bất động sản, góp phần định hình tư duy và chiến lược đầu tư hiệu quả trong bối cảnh mới.
Đồng thời, sự kiện cũng sẽ gắn kết các bên liên quan trong ngành, tạo điều kiện cho việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, thúc đẩy hợp tác phát triển. Hơn hết, diễn đàn hướng đến mục tiêu xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thông tin từ ông Nguyễn Đức Lập – Chủ tịch Hội đồng Bất động sản Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản với những thay đổi đột biến ở môi trường vĩ mô, môi trường pháp lý thì thời kỳ làm bất động sản dễ dàng đã qua đi. Theo ông Lập, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều biến động mạnh mẽ, có cả những thách thức và cơ hội đan xen.
“Khi các hành lang pháp lý mới đã chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng, các công cụ giám sát, quản lý nhà nước đang hiện đại, hiệu quả từng ngày thì việc kinh doanh bất động sản sẽ càng phải thay đổi. Trong chu kỳ mới này đòi hỏi người tham gia thị trường ở sự thích ứng nhanh nhạy, tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới”, ông Lập nêu vấn đề.
Ngoài ra, ông Lập cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cần phải chủ động nghiên cứu, phân tích thị trường, nắm bắt thông tin và không ngừng học tập nâng cao trình độ năng lực để đưa ra quyết định kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, cần phải có sự chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh và hướng đến sự phát triển bền vững.
Trao đổi tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay đang có nhiều rủi ro, thách thức ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2024-2025. Thông tin từ vị này, các nguyên nhân xuất phát từ xung đột địa chính trị phức tạp, bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu,…
“Đồng thời, tăng trưởng kinh tế toàn chậm lại (nhất là các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU…) sẽ khiến cho đà phục hồi của xuất khẩu, du lịch và đầu tư bị ảnh hưởng. Đặc biệt, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, chi phí đầu vào cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động… Nhất là rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phục hồi chậm…”, TS. Lực chia sẻ.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới vẫn có nhiều cơ hội. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể “hưởng lợi” từ các động lực tăng trưởng phục hồi khá của nền kinh tế, dù bất đồng đều (cầu tiêu dùng phục hồi, đầu tư tư nhân phục hồi, thu hút FDI tăng khá…).
Cùng với đó, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích luỹ tốt, rủi ro tài khoá ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khoá vẫn còn, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất giảm,… TS. Lực cũng cũng đề cập đến nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tiếp tục được đẩy mạnh.
“Điều này sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn, bất động sản xanh… Đáng chú ý là việc hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh (triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…) sẽ giúp cho hoạt động doanh nghiệp trở nên lành mạnh, bền vững hơn. Để phát triển trong chu kỳ mới, các doanh nghiệp bất động sản cần tiếp tục cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, nợ đáo hạn,…”, TS. Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia tại Diễn đàn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khoá, thuế phí, cơ cấu lại nợ,… Đặc biệt chuẩn bị tốt cho các thực thi các luật mới (Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản…) để thực hiện đúng theo các quy định.