Những điều cần biết về hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản
Những điều cần biết về
hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản
Dịch vụ môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Việc làm trung gian này phải lập hợp đồng môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số nhà môi giới chưa hiểu rõ loại hợp đồng này. Trong bài viết hôm nay Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản xin giới thiệu những điều khoản cơ bản cần lưu ý trong Hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản theo quy định của luật kinh doanh bất động sản.
1. Hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản là gì?
Theo quy Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản gồm: Hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản; Hợp động dịch vụ tư vấn bất động sản; Hợp đồng dịch vụ quản lý bất động sản.
Dịch vụ môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Theo bộ luật dân sự thì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, Hợp đồng môi giới bất động sản phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận, thống nhất trong việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
2. Vì sao cần có hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản?
Có lẽ không ít người hiện nay đều cho rằng, hợp đồng về lĩnh vực Bất động sản chỉ được lập khi có thực hiện giao dịch giữa bên mua và bên bán. Tuy nhiên, với sự phát triển phức tạp của thị trường ngày nay, hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản ngày một được quan tâm và trở lên cần thiết. Một vài lý do cần thiết cho việc làm này có thể kể đến như:
Quy rõ trách nhiệm và quyền lợi giữa 2 bên
Hợp đồng sẽ là văn bản được quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm giữa 2 bên gồm bên được môi giới và bên môi giới. Mọi trách nhiệm từ thanh toán, tìm kiếm và bảo mật thông tin đều có quy định rõ ràng dựa trên sự thỏa thuận giữa 2 bên cũng như quy định từ pháp luật.
Bên cạnh trách nhiệm thì quyền lợi cũng là thông tin được công bố rõ ràng theo hợp đồng. Các quyền lợi từ kinh tế, bảo vệ thông tin, đền bù rủi ro đều được thể hiện rõ trong hợp đồng.
Căn cứ giải quyết khi xảy ra tranh chấp
Hợp đồng sẽ là căn cứ giải quyết mọi tranh chấp khi giữa 2 bên xảy ra bất hòa. Đây được xem là văn bản có tính quyết định và ảnh hưởng nhất trước pháp luật.
Thể hiện tính chuyên nghiệp
Hợp đồng Môi giới Bất động sản được đánh giá là sự thể hiện tính chuyên nghiệp nhất hiện nay. Mỗi một đơn vị Môi giới Bất động sản khi có hợp đồng thể hiện rõ tính đảm bảo dành cho khách hàng khi giao dịch.
3. Những lưu ý trong hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản?
Căn cứ vào khoản 2, 3, 4 Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản cần phải lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất: Hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận.
Thứ hai: Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Trong một số trường hợp cụ thể thì:
- Trường hợp hợp đồng có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận, không có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên ký kết hợp đồng.
Thứ ba: Hợp đồng môi giới phải có các nội dung chính sau đây:
- Tên, địa chỉ của các bên: Cụ thể, thông tin tên, địa chi cơ bản của bên môi giới và bên được môi giới, thông tin về bất động sản…
- Đối tượng và nội dung dịch vụ: Theo quy định tại Điều 63 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014;
- Yêu cầu và kết quả dịch vụ: Do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng;
- Thời hạn thực hiện dịch vụ: Do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng;
- Phí dịch vụ, thù lao, hoa hồng dịch vụ: Do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng tuân thủ theo quy định tại Điều 64, 65 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014;
- Phương thức, thời hạn thanh toán: Do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên: Do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng tuân thủ theo quy định tại Điều 66 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014;
- Giải quyết tranh chấp: Các bên cam kết cùng nhau thực hiện hợp đồng. Nếu trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc các bên sẽ trao đổi trên tinh thần hợp tác, trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì việc tranh chấp sẽ được phán quyết bởi tòa án.
Chúc anh/chị thành công!
————————-
Anh (Chị) có thể vào mục kiến thức hữu ích để biết thêm nhiều thông tin về bất động sản
Các kiến thức chuyên sâu về pháp lý trong kinh doanh BĐS được truyền tải đầy đủ và chi tiết trong khóa học CHUYÊN GIA MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN – REAL ESTATE BROKERS , đây là khóa học rất cần thiết đối với các nhà môi giới , nhà đầu tư bất động sản.