Cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác, tình hình dịch Covid- 19 càng kéo dài thì doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Ngoài tâm lý người mua e ngại thì khi kinh tế suy giảm, đồng nghĩa với dòng tài chính thị trường trở nên khó khăn hơn, nhu cầu sở hữu BĐS tất yếu cũng sẽ giảm. “Tâm lý chờ đợi” cũng phát sinh từ đây khiến nhiều người không giám đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Điều này làm cho giới kinh doanh BĐS trở nên khốn khó hơn bao giờ hết…
Doanh nghiệp BĐS điêu đứng
Covid-19 đã và đang làm suy yếu triển vọng của thị trường BĐS trong năm nay. Và hệ luỵ này sẽ có chiều hướng tiếp tục tăng nếu dịch bệnh không được kiểm soát và tình trạng suy thoái kinh tế còn tiếp tục kéo dài.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đóng cửa. Ngoài ra, 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tại Đà Nẵng, hàng loạt sàn giao dịch BĐS cũng chung số phận.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS nhìn nhận, từ cơn sốt đỉnh điểm vào tháng 3/2019 đến thời điểm cách đây khoảng 2 tháng thì có nhiều nơi đã giảm 30-40%. Trong 2 tháng trở lại đây một số nơi lại giảm tiếp 10% nữa. So với cơn sốt đỉnh điểm năm 2019 thì nhiều nơi đã giảm 50% giá BĐS.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Đà Thành cho hay, không nằm ngoài sự ảnh hưởng dịch Covid-19, các dự án DDI đang thực hiện tại các thị đang có giao dịch, nhưng giảm sút hẵn. Doanh thu từ hoạt động môi giới (chiếm tỉ trọng lớn nhất của công ty) chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các lĩnh vực kinh tế khó tất yếu dòng tiền không thể chuyển vào BĐS được. Đối với công ty hiện tại cũng đã tập trung một số giải pháp mang tính trung và dài hạn hơn để đối phó với tình hình thị trường như hiện nay.
Một doanh nghiệp BĐS xin được dấu tên thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiêp nào cũng đang khó, gồng mình để tồn tại và duy trì. Đầu năm 2020 dịch covid-19 xuất hiện làm cho thị trường BĐS gần như tê liệt, các dự án khó triển khai vì khách hàng cũng hạn chế tụ tập đông người. Công ty cũng ứng phó bằng cách cắt giảm chi tiêu, co lại biên chế và cơ chế, dần tinh gọn lại bộ máy.
“Vấn đề trước mắt là các sàn môi giới chuyên nghiệp đang bắt tay nhau, bắt buộc phải tồn tại, duy trì không để có tình trạng phá sản, đóng cửa công ty gây hoang mang tới thị trường BĐS cũng như những khách hàng đã giao dịch thông qua sàn. Hiện tại đang tạm thời án binh bất động, lùi về hoàn thiện những phần thiếu sót trước đây của doanh nghiệp”, vị giám đốc trên chia sẻ.
Làm gì để “biến nguy thành cơ”?
Trong các cuộc họp bàn công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói “biến nguy thành cơ”, vậy doanh nghiệp BĐS sẽ làm gì để đón đầu khi tình hình dịch bệnh được khống chế? Câu hỏi này chúng tôi trao đổi với các doanh nghiệp BĐS và đã ghi nhận được nhiều trao đổi thẳn thắn. “Trong “nguy” có “cơ”, chính những thời điểm khó khăn nhất sẽ giúp doanh nghiệp có thêm giải pháp, tích luỹ thêm nhiều giá trị để tồn tại, duy trì và phát triển.
Vài lời khuyên cho doanh nghiệp BĐS
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản nhìn nhận, hiện nay những phân khúc BĐS phục vụ cho nhu cầu ở, giá đang đưa về mức đáp ứng được nhu cầu của người mua để ở. Thì phân khúc BĐS nhà ở có khả năng tiếp tục duy trì và có giao dịch trong thời gian tới. Còn ảnh hưởng nặng nề nhất là BĐS du lịch và những sản phẩm sơ cấp của các chủ đầu tư sắp tới thì sẽ rất khó khăn.
Ông Lập gửi gắm vài lời khuyên cho doanh nghiệp BĐS lúc này: Cần tinh gọn lại bộ máy tổ chức và quản lý để tiết kiệm tối đa chi phí. Cắt bỏ các chi phí không cần thiết. Đàm phán lại lương, thu nhập của nhân sự. Hoạch định lại các chiến lược, các kế hoạch, xây dựng các kịch bản ứng phó. Ứng với mỗi kịch bản là có mỗi kế hoạch hành động riêng thật chi tiết. Thực hiện sàng lọc và giữ lại nhân sự trung thành. Từ đó, tập trung đào tạo phát triển để nâng cao năng lực cho đội ngũ. Đồng thời, hoàn thiện lại hệ thống tổ chức, chuẩn chỉ lại các quy định, quy trình hoạt động, marketing, chăm sóc khách hàng, chính sách đối với nhân sự. Theo dõi thị trường, chuyển hướng vào các phân khúc phục vụ nhu cầu ở để phục vụ người dân có nhu cầu thực sự. Xây dựng và phát triển các hệ thống marketing online, làm việc online, tập trung thu thập dữ liệu khách hàng. Chăm sóc khách hàng hiện hữu để tăng cường phát triển mối quan hệ khách hàng trung thành dài lâu…
Nguyễn Đức Lập (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản)
—————————-
Trích bài viết được đăng trên báo Công thương ( https://congthuong.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-da-nang-cho-thoi-co-boi-qua-mua-dich-134753.html)