Quyền của nhà nước đối với đất đai được quy định rõ ràng và chi tiết

Đất đai là loại tài sản thuộc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước. Do đó, quyền của nhà nước đối với đất đai cũng được quy định rất rõ ràng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Những quy định đó như thế nào, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết.

Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai

Điều 13 Luật đất đai năm 2013 quy định như sau:

  • Có quyền quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất
  • Có quyền quyết định mục đích sử dụng đất
  • Có quyền quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất
  • Có quyền quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
  • Có quyền quyết định giá đất
  • Có quyền quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất
  • Có quyền quyết định chính sách tài chính về đất đai
  • Có quyền quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Nhà nước có quyền quyết định mục đích sử dụng đất

Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua: Quyền quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho  phép chuyển mục đích sử dụng đất – Theo quy định tại điều 14 Luật đất đai năm 2013.

Muc Dich Su Dung Cua Nha Nuoc Voi Dat Dai

Nhà nước có quy định về mục đích sử dụng đất

Nhà nước có quyền quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất

Điều 15 Luật đất đai năm 2013 quy định:

1. Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất gồm: hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

2. Nhà nước có quyền quy định thời hạn sử dụng đất qua các hình thức:

  • Sử dụng đất ổn định lâu dài
  • Sử dụng đất có thời hạn.

Đọc thêm Quy định về thời hạn sử dụng đất

Nhà nước có quyền ra quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất

1. Nhà nước có quyền ra quyết định thu hồi đất ở một số trường hợp sau:

a) Có quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng – an ninh quốc gia; mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia và xã hội.

b) Có quyền thu hồi đất do cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai.

c) Có quyền thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, kể cả trường hợp tự nguyện trả lại đất, hoặc có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trưng dụng đất trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Nhà nước thực hiện trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất

Điều 17, Luật đất đai năm 2013 quy định Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo các hình thức như sau:

1. Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất.

2. Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất theo từng năm, quyền cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê

3. Công nhận quyền sử dụng đất.

Nha Nuoc Trao đat đai

Nhà nước có quyền trao đất đai và quyết định giá đất

Nhà nước có quyền quyết định giá đất và các chính sách tài chính về đất đai

Quyền quyết định giá đất: 

  • Nhà nước đưa ra các quy định về nguyên tắc và phương pháp định giá đất.
  • Nhà nước ban hành các khung giá đất, các bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.

Quyền quyết định các chính sách tài chính về đất đai:

  • Nhà nước có quyền quyết định chính sách thu, chi tài chính đối với đất đai.
  • Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đai mà không phải do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua các chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

Nhà nước thực hiện quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

Điều 20 Luật đất đai năm 2013 quy định:

Nhà nước thực hiện quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nhằm đảm bảo sự phù hợp với các hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và vấn đề về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai

  1. Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; thực hiện quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước.
  2. Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương của mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; thực hiện việc giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương
  3. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật này.