Vì sao Đà Nẵng “dìm giá” bất động sản? I TRI
Từ đầu năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng vốn đã gần như bị “đóng băng”, nay có thể phải tiếp duy trì tình trạng “ảm đạm” này bởi Đà Nẵng đang chủ trương “dìm giá” BĐS xuống. Vậy vì sao Đà Nẵng muốn “dìm giá” BĐS?.
Chưa bao giờ giới BĐS Đà Nẵng cảm nhận được sự lo lắng đến vậy bởi ngoài sự “ảm đạm” của thị trường đã bắt đầu bao trùm từ đầu năm, đến bây giờ chính Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lại tiết lộ rằng Đà Nẵng đang chủ trương dìm bằng được giá BĐS.
Trên thực tế, nhiều Công ty đầu tư BĐS tại Đà Nẵng đã có những bước chuyển hướng chuyển dịch đầu tư vào các thị trường BĐS tại các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Huế hay xa hơn là Quảng Bình khi mà các dự án của họ ở Đà Nẵng và Quảng Nam gần như đang bị “đóng băng” từ đầu năm 2019 đến nay.
Giới đầu tư BĐS tại Đà Nẵng đã chứng kiến phân khúc đất nền dự án tại thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam “tuột dốc” về giá cả lẫn số lượng giao dịch. Giá đã giảm 20 – 30% tùy khu vực và thị trường đi vào trạng thái trầm lắng.
Thị trường BĐS tại Đà Nẵng và Quảng Nam chứng kiến những cơn “sốt đất” với giá đất lên cao chưa từng có
“Không có người mua, muốn bán cắt lỗ cũng không được giờ phải ngồi “ôm đất” nhìn giá ngày càng tuột. Năm 2018, khi thị trường BĐS tại Đà Nẵng đang rất sôi động tôi đã đầu tư mua 2 nền, giờ muốn bán lại chịu lỗ vài trăm triệu nhưng đâu có bán được. Không có ai mua”. Anh Nguyễn Văn Thảo – một người lướt sóng BĐS tại Đà Nẵng không khỏi lo lắng.
Chưa dừng lại ở đó, mấy ngày gần đây anh Thảo như “ngồi trên đống lửa” khi mà chính Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Trương Quang Nghĩa cho biết Đà Nẵng đang có chủ trương “dìm giá” BĐS xuống.
“Đà Nẵng đang chủ trương dìm bằng được giá nó xuống, không để nổi lềnh phềnh chỉ nuôi mấy ông mua đi bán lại, người dân không được gì. Đà Nẵng còn quỹ đất bao nhiêu để dành lại, làm của để dành, chứ cứ đưa 1 miếng đất bán ra được 1 đồng bạc thì mất 20 đồng để giải quyết vấn đề khác, trong khi Đà Nẵng không có nhu cầu thật”, ông Trương Quang Nghĩa nói vậy tại một buổi làm việc giữa TP Đà Nẵng với các Ngân hàng có chi nhánh tại Đà Nẵng cuối tháng 8/2019.
Tại sao Đà Nẵng phải “dìm giá” BĐS? Đó chính là hệ lụy từ việc loạn giá đất với những cơn “sốt” ảo của thị trường BĐS trong năm 2018. Bằng rất nhiều cách, nhiều chiêu trò, những người được gọi là “cò đất” đã thổi giá BĐS tại Đà Nẵng lên một mức quá cao vượt giá trị thực của nó.
Ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS (tại TP Đà Nẵng) cho rằng, chính các nhà đầu cơ, các chủ đầu tư đã tiến hành “làm giá”, kích thích tạo sóng, đẩy giá lên cao quá mức trước đó để đẩy hàng ra thị trường, và khi xong mục tiêu là họ dịch chuyển nơi khác, để lại khoảng trống trên thị trường.
“Theo cảm nhận của cá nhân tôi, thị trường đất nền Đà Nẵng từ nay cho đến cuối năm sẽ tiếp tục với xu hướng “đi ngang”, về tổng quan giá sẽ không có nhiều biến động như trước đó” ông Lập nhận định về thị trường BĐS tại Đà Nẵng trong thời gian gần.
Người dân sẽ được hưởng lợi khi giá BĐS xuống thấp?
Như vậy, việc Đà Nẵng đang cố gắng “hãm phanh” và “dìm giá” là đang cố gắng kéo thị trường BĐS tại địa phương này về với giá trị thực của nó. Thực tế cho thấy, thị trường BĐS ở Đà Nẵng hiện nay chiếm số đông vẫn là các nhà đầu cơ và các nhà đầu tư, họ là nhân tố chủ chốt và quyết định giá BĐS. Còn với người dân địa phương có nhu cầu cấp thiết đơn thuần về chỗ ở thì giá BĐS nơi đây luôn vượt cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của họ nếu so sánh tương quan về thu nhập.
Trên cơ chế “được và mất” thì thị trường BĐS “ảm đạm” là bức tranh tối của giới đầu tư BĐS nhưng là cơ hội tốt cho người dân có nhu cầu thực sự mua để ở.
Nguyễn Đức Lập (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản)
—————————————————————
Bài viết được đăng trên báo BVPL (https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/vi-sao-da-nang-dim-gia-bat-dong-san-74978.html)