Cò thổi giá, quê nghèo chao đảo I TRI

Cò thổi giá, quê nghèo chao đảo I TRI

Sau ba ngày xáo động giá địa ốc, khu vực Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng) đã tạm lắng xuống, lượng người đổ về hỏi mua đất nền giảm hẳn. Nhiều người đặt câu hỏi liệu đây phải chăng là hệ lụy thị trường do hoạt động môi giới đất trên địa bàn thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, để tùy tiện cho đội ngũ môi giới tự tung tự tác?

Nhiều người dân tại xã Hòa Tiến hiện vẫn còn ngơ ngác trước cơn sóng địa ốc bùng lên ở đây mấy ngày vừa qua. Từ một số đồn thổi về khả năng nhà đất Đà Nẵng sẽ tăng gấp đôi với biểu giá đất mới, một lượng lớn nhân viên môi giới bỗng nhiên đổ về khu vực này để lùng mua đất nền.

Hòa Tiến là thôn nông nghiệp nghèo, hoa lợi không bao nhiêu, việc giao thông không mấy thuận lợi, bỗng chốc trở thành điểm nóng bất động sản. Nhiều thửa vườn khô cằn của người dân có giá chuyển nhượng 200 triệu đồng vụt tăng lên cả tỉ đồng, và vẫn tiếp tục bị đồn thổi sẽ còn tăng nữa.

Sự việc ồn ào đến mức chính quyền huyện Hòa Vang đã phải có công văn khẩn báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng để có chỉ đạo xử lý. Song rất mau lẹ, “cơn sốt” lịm xuống và đến nay, tình hình lại yên ắng như chưa hề xảy ra một trận sóng gió địa ốc nào.

Tung chiêu tạo sóng

Phân tích sự việc này, một chuyên gia địa ốc nhìn nhận, đây chỉ là một trong các thủ pháp của giới kinh doanh địa ốc khi cần làm nóng thị trường, cuốn hút sức mua, kiếm lợi nhuận.

Lợi dụng tâm lý đám đông, nhân viên môi giới sẽ dàn dựng ra những thông tin xáo trộn, và “mua ghim” một số lô đất tại các điểm cần khuấy động với giá cao hơn thực tế 2 – 3 lần. Cộng đồng người dân sở tại sẽ hoang mang và đồn thổi với nhau, đồng loạt tăng giá chuyển nhượng lên, dù sự việc chỉ xảy ra ở một vài lô đất.

Cò thổi giá, quê nghèo chao đảo

Bất cứ khu vực nào, môi giới chỉ cần tạo sóng nhiễu loạn thông tin cũng khiến giá bất động sản dao động tăng lên

Đội ngũ môi giới chỉ cần qua đó, tạo thêm một số tin đồn là có thể đẩy giá giao dịch tại chỗ lên đồng loạt, cuốn hút rất nhiều người quan tâm, thậm chí chính những người bán đất cũng lâm vào tình trạng “tự mua lại nền đất của mình với giá cao hơn”. Khi thị trường đạt để tỷ lệ cần thiết để bán lại hết số đất ghim giữ, đội ngũ môi giới sẽ nhanh chóng rút đi.

Thủ thuật này không mới mẻ với giới kinh doanh địa ốc, nhưng bởi liên tục được vận dụng đúng thời điểm bất ngờ, vị trí bất ngờ, nên luôn tạo biến động có lợi cho đội ngũ môi giới.

Trong năm 2018, Đà Nẵng đã có nhiều vụ việc tương tự, như tại xã Hòa Liên sau khi hai nhà máy thép bị sự cố, ở nam cầu Hòa Xuân sau khi có thông tin địa phương dịch chuyển quy hoạch. Gần đây nhất là những thông tin nóng về trục tây bắc Liên Chiểu, và cả dự án làng Đại học Đà Nẵng sẽ khuấy động lại, đều là cái cớ cho lực lượng cò mồi địa ốc trục lợi!

Cần pháp luật vào cuộc?

Theo nhiều nhà đầu tư, hiện tượng tạo những đợt sóng thông tin ảo về giá đất như vậy rất nguy hiểm cho hoạt động kinh tế các địa phương, kể cả hoạt động của các sàn giao dịch địa ốc chính thức.

Giá đất ảo, bong bóng đất… là những khái niệm đang ngày càng phổ biến hơn, gây ra nhiều tác động bất lợi đến sinh hoạt, đầu tư xã hội. Tình trạng này đều có liên quan đến hành vi “định hướng thông tin” của các tổ chức môi giới địa ốc.

Mới đây, vụ việc cò môi giới địa ốc tự ngụy tạo văn bản lãnh đạo Quảng Nam để “gây sóng” thị trường, cũng như đã từng giả chữ ký ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tạo sốt đất ở nam Hòa Xuân (Đà Nẵng), đều là những hành vi sai phạm nghiêm trọng. Song gần như các địa phương đều không rốt ráo để xử lý những hành vi ấy, khiến đội ngũ môi giới “lờn thuốc” và ngày càng tự tung tự tác.

Một số chuyên gia kinh doanh địa ốc cho rằng, đã đến lúc các cơ quan luật pháp phải mạnh dạn vào cuộc, xử lý nghiêm những vụ việc có tin đồn thất thiệt, làm ảnh hưởng uy tín các nhà quản lý, các cơ quan chức năng về đất đai, và nhất là điều hướng dư luận vào những vụ việc gây rối loạn thông tin nhằm trục lợi bất chính.

Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam mới đây đã ban hành bộ quy tắc hành vi môi giới bất động sản. Đây là một trong những động thái tích cực với mong muốn tạo thay đổi về nhận thức trong hoạt động môi giới bất động sản.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Bất động sản

CafeLand: Với diễn biến cò môi giới và thị trường biến loạn thời gian qua, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng hoạt động môi giới bất động sản tại Đà Nẵng? Làm sao để giảm thiểu được những động thái thái quá như vậy?

Cò thổi giá, quê nghèo chao đảo

Ông Nguyễn Đức Lập: Không chỉ riêng thị trường bất động sản Đà Nẵng, mà gần như cả nước, việc thực thi Luật kinh doanh bất động sản với bộ phận môi giới hiện nay còn khá nhiều bất cập. Cơ bản là do cơ chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện.

Đặc biệt, cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra và lực lượng thực thi kiểm tra đối tượng hành nghề môi giới trong thời điểm thị trường nóng sốt còn nhiều kẽ hở, và càng khó khăn khi phần lớn đội ngũ môi giới đều ở dạng “tay ngang”, không được đào tạo bài bản. 

Hiện nay, đa phần môi giới thiếu sự độc lập, khách quan trong giao dịch. Họ vừa là môi giới, vừa là một chủ thể giao dịch mua bán. Cách phổ biến là tập hợp lại, rủ nhau đặt cọc và đi tìm khách để sang cọc.

Để giảm thiểu các sai phạm về môi giới, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự tham gia của nhiều lực lượng. Cá nhân tôi có một số đề xuất:

Thứ nhất, nên chăng bổ sung quy định giao dịch bắt buộc qua sàn giao dịch và nhà môi giới là một chủ thể trung gian bắt buộc trên hợp đồng mua bán, sang nhượng. Làm như thế sẽ phát huy vai trò và trách nhiệm của nhà môi giới, nâng cao vị thế và bắt buộc họ phải học tập chính quy và bài bản.

Thứ hai, hoàn thiện giáo trình đào tạo nghề môi giới, bắt buộc các nhà môi giới phải được đào tạo lại khi kiến thức thay đổi. đặc biệt là các chính sách pháp luật và các quy định mới của nhà nước về bất động sản khi có sự thay đổi.

Thứ ba, nâng cao vai trò và vị thế chính trị, xã hội của Hội môi giới Bất động sản, để qua đó tổ chức đánh giá, xếp hạng nhà môi giới, tôn vinh các đơn vị môi giới, các nhà môi giới tiêu biểu một cách chính xác, minh bạch.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần minh bạch hóa thông tin về quy hoạch, chính sách đất đai, quy trình thủ tục đầu tư… để mọi người dân được biết; tránh đưa tin “nhỏ giọt”, cục bộ để lực lượng đầu cơ lợi dụng, thao túng làm công cụ để “thổi giá” thị trường.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Lập Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Đào Tạo Bất Động Sản

——————————-

Bài viết được đăng trên báo CafeLand (https://theleader.vn/gia-nha-dat-da-nang-bien-ao-kho-luong-1551870382135.htm)