Quy định mới: Phạt hành chính lên đến 1 tỷ đồng, nếu tự ý phân lô, bán nền hoặc mua bán đất không có sổ đỏ
Ngày 19/11/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP. Trong đó, đáng chú ý là nội dung liên quan đến vấn đề tự ý phân lô, bán nền hoặc mua bán đất không có sổ đỏ, chậm sang tên sổ đỏ cho khách hàng.
Cụ thể như sau:
1. Phạt nặng khi tự ý phân lô, bán nền trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở
Theo Khoản 1, Điều 41, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền. Bao gồm:
- Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND cấp tỉnh hoặc quận/huyện;
- Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, gồm: các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;
- Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án, gồm: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).
Như vậy, nếu chủ đầu tư thực hiện phân lô, bán nền không đủ các điều kiện sẽ bị phạt tiền với các mức như sau:
– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh không đủ một trong các điều kiện hoặc chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép:
- Đối với diện tích đất < 0,5 héc ta: Phạt từ 20 – 50 triệu đồng
- Đối với diện tích đất từ 0,5 – 01 héc ta: Phạt từ 50 – 100 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất từ 01 – 03 héc ta : Phạt từ 100 – 200 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất >03 héc ta: Phạt từ 200 – 500 triệu đồng.
– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh không đủ từ hai điều kiện:
- Đối với diện tích đất < 0,5 héc ta: Phạt từ 50 – 100 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất từ 0,5 – 01 héc ta: Phạt từ 100 đến 200 triệu đồng.
- Đối với điện tích đất từ 01 – 03 héc ta: 200 – 500 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất >03 héc ta: Phạt từ 500 – 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, nếu thực hiện phân lô, bán nền mà không lập dự án đầu tư xây dựng thì xử phạt theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017.
2. Phạt tiền lên đến 40 triệu đồng nếu mua bán đất không có đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (sổ đỏ)
Tại Khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Khi các cá nhân, tổ chức tiến hành chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện trên thì sẽ bị phạt tiền với các mức như sau:
– Chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ một trong các điều kiện:
- Tại khu vực nông thôn: Từ 3 – 5 triệu đồng;
- Tại khu vực đô thị: Từ 5 – 10 triệu đồng.
– Chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ từ hai điều kiện trở lên:
- Khu vực nông thôn: Từ 5 – 10 triệu đồng;
- Khu vực đô thị: Từ 10 – 20 triệu đồng.
CHÚ Ý: Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 40 triệu đồng).
3. Chậm sang tên hoặc không sang tên sổ đỏ cho khách hàng sẽ bị phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng.
Sang tên sổ đỏ là cách thường gọi của người dân khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất/đăng ký biến động đất khi chuyển nhượng.
Tại Khoản 4, Điều 95, Luật Đất đai 2013 nêu rõ: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… phải đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra biến động (thường sẽ là ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực).
Như vậy, trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai thì theo Khoản 2 và Khoản 3, Điều 17, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 sẽ bị phạt hành chính như sau:
– Đối với khu vực nông thôn:
- Trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng;
- Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng.
– Đối với khu vực đô thị: Mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định với khu vực nông thôn.
CHÚ Ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 20 triệu đồng).
Hi vọng, những thông tin trên sẽ thực sự hữu ích đối với các bạn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư, anh/chị/em môi giới, những người quan tâm đến bất động sản.
————————————————————————
Anh (Chị) có thể tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác tại đây.
Vào mục kiến thức hữu ích để biết thêm nhiều thông tin về bất động sản
Khóa học PHÁP LÝ TRONG KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN là khóa học rất cần thiết đối với các nhà môi giới , nhà đầu tư bất động sản.