Thực hư câu chuyện “sở hữu vĩnh viễn” trong các dự án bất động sản

Thực hư câu chuyện “sở hữu vĩnh viễn” trong các dự án bất động sản

     Hiện nay, một trong những điều kiện để người sử dụng đất có thể thực hiện việc chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho, thế chấp… bằng quyền sử dụng đất là đất phải còn thời hạn sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người mua vẫn chưa am hiểu về luật, không hiểu và phân biệt được bất động sản mình mua đang trong tình trạng nào, dẫn đến việc họ bị nhầm lẫn, mua nhầm đất, khiến mất lòng tin vào bất động sản và môi giới. Để giải quyết vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn nắm được những khái niệm về thời hạn sử dụng đất và những vấn đề liên quan.


1. Thời hạn sử dụng đất?

   Theo Luật Đất đai năm 2013, thời hạn sử dụng đất được chia làm 2 loại: Đất sử dụng ổn định lâu dài và đất có thời hạn sử dụng. Cụ thể:

  • Đất sử dụng ổn định lâu dài: Có thể hiểu “đất sử dụng ổn định lâu dài” là đất mà người sử dụng đất được pháp luật cho phép sử dụng lâu dài, liên tục, không xác định thời hạn cụ thể của việc chấm dứt quyền sử dụng đất.
  • Đất có thời hạn sử dụng: Là cách nói để xác định những mảnh đất mà người sử dụng đất chỉ được phép chiếm hữu và sử dụng diện tích đất này trong một thời hạn nhất định (ví dụ 20 năm, 30 năm, 50 năm…tùy vào nội dung quy định của pháp luật cũng như sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước). Hết thời hạn này, diện tích đất được xác định là “đất có thời hạn sử dụng đất” có thể bị Nhà nước thu hồi hoặc được gia hạn để tiếp tục sử dụng.                 

2. Vì sao các dự án phải có thời hạn sử dụng đất?

   Với các dự án bất động sản, nhằm phòng ngừa trường hợp chủ đầu tư được giao đất quá lâu mà vẫn không chịu triển khai dự án, gây ra sự lãng phí quỹ đất, nên nhà nước sẽ quy định thời hạn sử dụng đất.

3. Thực hư câu chuyện “sở hữu vĩnh viễn” trong các dự án bất động sản?

   Hiện nay, tại các dự án bất động sản nhằm tạo ra sự khác biệt và đánh vào tâm lý muốn ổn định lâu dài của người mua, các chủ đầu tư thường đưa ra thuật ngữ “sở hữu vĩnh viễn” nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Vậy thực hư chuyện này là thế nào? Việc này là đúng hay sai?

   Đầu tiên bạn phải hiểu thế nào là vĩnh viễn, thế nào là lâu dài?

  • Vĩnh viễn: Là vô thời hạn, đời này sang đời khác, không có điểm kết thúc.
  • Lâu dài: Là một khoảng thời gian dài, có điểm kết thúc.

   Trong Luật Đất đai năm 2013, không có khái niệm sở hữu “vĩnh viễn” mà chỉ có khái niệm sở hữu “lâu dài”. Những dự án nằm trên đất quy hoạch được Nhà nước chuyển giao cho chủ đầu tư theo hình thức đất sở hữu lâu dài, thì dự án trên đất đó mới được nhà nước cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và Tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) để sở hữu “lâu dài” . Ngược lại, dự án đất quy hoạch mà chủ đầu tư chỉ có quyền sử dụng trong một khoảng thời gian như 50 năm, 30 năm hay 70 năm, thì dự án trên đất đó cũng chỉ được cấp sổ hồng và sở hữu tương ứng với số năm Chủ đầu tư được sử dụng đất.

   Chúng ta nên hiểu rằng: Nếu Nhà nước cấp và sử dụng chữ “vĩnh viễn” thì cá nhân sở hữu bất động sản có quyền không trả bất động sản (dù được Nhà nước bồi thường để thu hồi) để khi nhà nước có nhu cầu trưng dụng cho các mục đích: quân sự, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, các công trình phục vụ cuộc sống cộng đồng hoặc nằm trong vùng quy hoạch đặc biệt. Còn nếu dùng chữ “lâu dài”, thì cá nhân có nghĩa vụ phải hoàn trả lại bất động sản khi nhà nước yêu cầu (Nhà nước sẽ bồi thường bằng tiền hoặc mảnh đất khác tương ứng với giá trị của mảnh đất cũ).

   Như vậy, sẽ không có trường hợp “sở hữu vĩnh viễn” như các nhà đâu tư tại các dự án BĐS vẫn thường hay rao bán. Việc chủ đầu tư cố tình làm như vậy đã tạo ra hệ quả xấu, làm người mua dễ hiểu nhầm vì đa số người mua bất động sản đều ít am hiểu về  pháp luật trong bất động sản.

Hi vọng, những thông tin trên sẽ thực sự hữu ích đối với các bạn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư, anh/chị/em môi giới, những người quan tâm đến bất động sản.

————————————————————————

Anh (Chị) có thể tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác tại đây.

Vào mục kiến thức hữu ích để biết thêm nhiều thông tin về bất động sản

Khóa học PHÁP LÝ TRONG KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN là khóa học rất cần thiết đối với các nhà môi giới , nhà đầu tư bất động sản.