Xử Lý Vi Phạm Về Quản Lý Giao Dịch Nhà Ở 2022

Quản lý giao dịch nhà ở là vấn đề được nêu cao trong cơn sốt nhu cầu mua bán, sở hữu nhà ở của người dân Việt Nam. Bởi vì nhà ở là một tài sản quan trọng, nên các giao dịch liên quan đến nhà ở luôn được quản lý chặt chẽ. Vậy trong năm 2022, vi phạm về quản lý giao dịch nhà ở sẽ bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

Khái quát về quản lý giao dịch nhà ở

Theo quy định tại Điều 117 Luật nhà ở 2014, giao dịch về nhà ở bao gồm các hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở.

Vấn đề công chứng, chứng thực khi giao dịch nhà ở và thời điểm có hiệu lực:

–  Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014.

Đối với các giao dịch này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng:

–  Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

–  Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

>>>Xem thêm bài viết: Giới hạn quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản

quản lý giao dịch nhà ở

Khái quát về quản lý giao dịch nhà ở.

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở

Căn cứ theo  Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, hành vi vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở sẽ bị phạt tiền như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quản lý giao dịch nhà ở như sau:

a) Thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện quy định;

b) Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định;

c) Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bên thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

b) Bên thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội bán, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian thuê, thuê mua hoặc bán lại nhà không đúng quy định.

Xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nhà ở có yếu tố nước ngoài

Theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nhà ở có yếu tố nước ngoài như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê nhà ở mà không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở;

b) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở không thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

c) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi dùng nhà ở để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác không phải để ở.

>>>Tham khảo: Quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

quản lý giao dịch nhà ở

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở.

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai (trừ trường hợp có quy định khác) không đúng quy định.

Phạt tiền từ 260.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng 

Theo quy định tại khoản 5 Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 260.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài sau đây:

a) Bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định;

b) Bán nhà ở cho người nước ngoài mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu;

c) Không gửi thông tin (bằng thư điện tử và bằng văn bản) để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Lưu ý: Mức phạt tiền này áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm hành vi tương ứng mức tiền phạt bằng 1/2, riêng mức phạt tiền quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 là mức phạt đối với cá nhân vi phạm (điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).

Biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm quy định về quản lý các giao dịch nhà ở 

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở gồm:

– Buộc thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã bán, cho thuê hoặc cho thuê mua không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện với hành vi quy định tại điểm a khoản 1.

– Buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đối với hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 1.

– Buộc thu hồi lại nhà thuộc sở hữu nhà nước đã thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 2.

quản lý giao dịch nhà

Biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm quy định về quản lý các giao dịch nhà ở.

– Buộc thu hồi nhà ở xã hội với hành vi quy định tại điểm b khoản 2.

– Buộc thu hồi số tiền giao dịch không thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3.

– Buộc bên cho thuê hủy bỏ việc cho thuê với hành vi quy định tại điểm c khoản 3.

– Buộc thu hồi lại số lượng nhà đã bán cho người nước ngoài và hoàn trả toàn bộ chi phí mà bên mua đã trả và bồi thường thiệt hại cho bên mua đối với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 5.

Trên đây là các thông tin trong vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở 2022. Để nâng cao khả năng thành công hành nghề bđs, anh/chị cần bồi dưỡng kiến thức pháp lý, kiến thức chuyên môn và thường xuyên rèn luyện kỹ năng. Nếu có nhu cầu tham khảo ngay khóa học “Chuyên gia pháp lý bất động sản” của Viện T.R.I hãy liên hệ qua hotline 0859.143.143.