Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là Sổ đỏ) là cơ sở pháp lý nhằm bảo hộ quyền và lợi ích của người sử dụng đất theo pháp luật. Vậy thì người sử dụng đất bị từ chối cấp Sổ đỏ trong trường hợp nào? Sau đây Viện sẽ tổng hợp 6 trường hợp bị từ chối cấp Sổ đỏ và quy trình khiếu nại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của mình, mời quý anh/chị và bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
6 trường hợp bị từ chối cấp Sổ đỏ
Căn cứ quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thì các trường hợp bị từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm:
Trường hợp 1: Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ
Trường hợp 2: Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định
Trường hợp 3: Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp 4: Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo.
Trường hợp 5: Người sử dụng đất đang phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án hoặc bị kê biên tài sản thi hành án hoặc đất, tài sản gắn liền với đất có tranh chấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tiếp nhận.
Trường hợp 6: Người sử dụng đất không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
>>>Xem thêm: Quy trình cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất
Điều kiện khiếu nại khi bị từ chối cấp Sổ đỏ
Điều kiện thực hiện khiếu nại lần đầu
Căn cứ khoản 1 Điều 2; Điều 9; khoản 9 Điều 11 và khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại 2011, để thực hiện quyền khiếu nại khi bị chậm, từ chối cấp Sổ đỏ, Sổ hồng phải có đủ điều kiện sau:
– Điều kiện 1: Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi chậm giải quyết, không giải quyết hồ sơ đề nghị cấp từ chối cấp Sổ đỏ, Sổ hồng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình (nếu quyết định, hành vi đó trái pháp luật nhưng không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì không có quyền khiếu nại mà có quyền tố cáo).
Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian cấp Sổ đỏ lần đầu không quá 30 ngày làm việc; không quá 40 ngày làm việc đối với xã vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Thời gian trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất (một số địa phương rút ngắn hơn).
Do đó, nếu hết thời gian trên (có thể căn cứ vào giấy hẹn trả kết quả) mà không được giải quyết hoặc nhận, biết được quyết định từ chối cấp dù có căn cứ cho rằng đủ điều kiện cấp theo quy định thì có quyền khiếu nại.
– Điều kiện 2: Người khiếu nại tự mình thực hiện thì phải là người sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.
– Điều kiện 3: Người khiếu nại là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự,…); có người đại diện hợp pháp thực hiện khiếu nại trong trường hợp khiếu nại thông qua người đại diện.
* Lưu ý: Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại (cha, mẹ,…).
– Điều kiện 4: Việc khiếu nại chưa được Toà án thụ lý để giải quyết (nghĩa là không đồng thời vừa khiếu nại, vừa khởi kiện).
– Điều kiện 5: Còn thời hiệu, thời hạn khiếu nại hoặc đã hết thời hiệu, thời hạn mà có lý do chính đáng: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
– Điều kiện 6: Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Điều kiện thực hiện khiếu nại lần hai
Ngoài các điều kiện theo thủ tục khiếu nại lần đầu thì khi thực hiện quyền khiếu nại theo thủ tục khiếu nại lần hai phải có thêm quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi bị từ chối cấp Sổ đỏ
Căn cứ Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Luật Khiếu nại 2011, thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi chậm hoặc từ chối cấp Sổ đỏ (nói cách khác là quyết định hành chính, hành vi hành chính) được quy định như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), Trưởng phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
– Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:
+ Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
+ Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng phòng và tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Trình tự thực hiện khiếu nại khi bị từ chối cấp Sổ đỏ
Căn cứ Luật khiếu nại 2011 và Luật đất đai 2013, trình tự thực hiện khiếu nại như sau:
– Bước 1: Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại
Người khiếu nại gửi đơn và các tài liệu có liên quan (nếu có) cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu .
– Bước 2: Thụ lý đơn
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết;
– Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:
+ Kiểm tra lại quyết định hành chính, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
+ Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
– Bước 4: Tổ chức đối thoại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.
Việc đối thoại phải được lập thành biên bản.
Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
– Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Gửi kết quả giải quyết khiếu nại đến: Người khiếu nại, Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến; Cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
>>>Tham khảo bài viết: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?
Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết nhất về 6 trường hợp bị từ chối cấp Sổ đỏ và quy trình khiếu nại. Hy vọng Viện sẽ giúp các bạn có những thông tin hữu ích về đất đai và các vấn đề liên quan tới nhà đất.