Quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp

 

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hiểu là việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Để được cấp Giấy chứng nhận người dân phải đảm bảo được các điều kiện và thực hiện các thủ tục rất phức tạp. Tuy nhiên theo pháp luật đất đai cũng có các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đã được cấp. Vậy những trường hợp nào sẽ bị thu hồi, thủ tục thu hồi ra sao và thẩm quyền thuộc về cơ quan nào? Bài viết dưới đây của Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản sẽ giúp quý anh/chị hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp

Quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp

Những trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp

Theo quy định tại khoản 2 Điều Điều 106 Luật Đất đai năm 2013, việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp đối với những trường hợp sau: 

– Trường hợp 1: Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

– Trường hợp 2: Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

– Trường hợp 3: Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Trường hợp 4: Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ những trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai 2013 thì việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này (trường hợp 4) sẽ do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.

Ngoài ra, việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không thuộc 4 trường hợp trên chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành theo khoản 2, Điều 106, Luật Đất đai 2013, Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP.

Những trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp

Những trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp

Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 

Theo quy định tại điều 105 và khoản 3, Điều 106 Luật Đất đai 2013, cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cụ thể như sau: 

– Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định ở điểm d khoản 2 Điều 106 do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai. 

– Vậy thì thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp sẽ thuộc về: 

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

>>>Xem thêm: Quy trình cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất

Thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 

Căn cứ theo quy định tại Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:

Trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai 

Trường hợp này thì người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước khi được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật đất đai. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thu Giấy chứng nhận đã cấp chuyển cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.

Trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật Đất đai 

Trường hợp này thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước khi bàn giao đất cho Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai. Tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện thu hồi đất có trách nhiệm thu Giấy chứng nhận đã cấp và chuyển cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.

>>>Tìm hiểu thêm: Công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật 

Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp hoặc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp Giấy chứng nhận 

Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp hoặc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước đây cùng với hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận, hồ sơ đăng ký biến động.

Văn phòng đăng ký đất đai quản lý Giấy chứng nhận đã nộp sau khi kết thúc thủ tục cấp đổi, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.

 Văn phòng đăng ký đất đai

Văn phòng đăng ký đất đai

Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai 

Theo quy định tại khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai sẽ thực hiện như sau:

– Trường hợp 1: Trường hợp Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, trong đó có kết luận về việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp thì việc thu hồi Giấy chứng nhận được thực hiện theo bản án, quyết định đó.

– Trường hợp 2: Trường hợp cơ quan thanh tra có văn bản kết luận Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp xem xét, xác định Giấy chứng nhận đã cấp là đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo lại cho cơ quan thanh tra.

– Trường hợp 3: Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật Đất đai và Điều 37 của Nghị định này phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định.

– Trường hợp 4:Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

– Cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tại thời điểm thu hồi Giấy chứng nhận;

– Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận đã thu hồi theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các điểm b, c và d khoản này thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Lưu ý: Nhà nước sẽ không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp”. Để quá trình hành nghề môi giới bất động sản cũng như quá trình giao dịch đất đai được thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật, điều kiện tiên quyết là quý anh/chị môi giới cũng như nhà đầu tư phải am hiểu và ứng dụng thành thạo kiến thức pháp luật vào trong công việc của mình để tránh xảy ra những rủi ro không đáng có. Tham khảo ngay khóa học “Chuyên gia pháp lý bất động sản” của Viện để bổ sung thêm kiến thức pháp lý cần thiết cho quá trình hành nghề bất động sản của mình.