QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHI PHÍ TRONG LỰA CHỌN NHÀ THẦU THEO NGHỊ ĐỊNH 24/2024/NĐ-CP
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/02/2024, ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ Tướng ký ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
I. Chi phí trong lựa chọn nhà thầu
Mức phí mua bản điện tử hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong đấu thầu quốc tế:
– Quy định chung: Mức phí được chủ đầu tư quyết định dựa trên quy mô, tính chất của gói thầu và theo thông lệ đấu thầu quốc tế. Mức phí bao gồm bản điện tử hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu.
– Gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Tiền bán bản điện tử hồ sơ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
– Gói thầu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Tiền bán bản điện tử hồ sơ là nguồn thu của chủ đầu tư và được quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính của chủ đầu tư.
Chi phí lập, thẩm định nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu:
– Thuê tư vấn: Chi phí thuê tư vấn thực hiện một hoặc một số công việc trong quá trình lựa chọn nhà thầu không áp dụng các quy định về chi phí tại Khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
– Giao cho cơ quan, đơn vị trực thuộc: Chi phí lập, thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được tính trong dự toán chi phí hoạt động lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
– Thành lập tổ chuyên gia, tổ thẩm định: Chi phí cho các công việc lập, thẩm định hồ sơ, đánh giá hồ sơ, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu được tính trong dự toán chi phí hoạt động lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
– Xác định và quản lý chi phí: Chi phí quy định tại Khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP được xác định trong tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm, dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư hoặc dự toán chi thường xuyên của đơn vị. Việc quản lý, sử dụng chi phí thực hiện theo cơ chế tài chính của chủ đầu tư.
Chi phí lập hoặc thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu: tính bằng 0,5% chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, mức chi phí này có giới hạn tối thiểu là 05 triệu đồng và tối đa là 40 triệu đồng.
Chi phí lập, thẩm định hồ sơ: Mức chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm giá gói thầu, nhưng có giới hạn tối thiểu và tối đa. Cụ thể:
– Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển: Tỷ lệ: 0,1% giá gói thầu. Tối thiểu: 2 triệu đồng và tối đa: 30 triệu đồng.
– Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển: Tỷ lệ: 0,06% giá gói thầu. Tối thiểu: 2 triệu đồng và tối đa 30 triệu đồng.
– Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu: Tỷ lệ: 0,2% giá gói thầu. Tối thiểu: 3 triệu đồng và tối đa 60 triệu đồng.
– Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu: Tỷ lệ: 0,1% giá gói thầu. Tối thiểu: 2 triệu đồng và tối đa 60 triệu đồng.
Chi phí đánh giá hồ sơ: Mức chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm giá gói thầu, nhưng có giới hạn tối thiểu và tối đa.
– Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển: Tỷ lệ: 0,1% giá gói thầu. Tối thiểu: 2 triệu đồng và tối đa: 30 triệu đồng.
– Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất: Tỷ lệ: 0,2% giá gói thầu. Tối thiểu: 3 triệu đồng và tối đa: 60 triệu đồng.
Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu: kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu. Mức chi phí được tính bằng 0,1% giá gói thầu. Tuy nhiên, mức chi phí này có giới hạn tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng.
Chi phí cho các gói thầu tương tự và tổ chức lại:
– Gói thầu tương tự: Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, sơ tuyển; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, yêu cầu tối đa 50% mức quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Ví dụ: Gói thầu A có giá trị 100 triệu đồng, chi phí lập hồ sơ mời thầu theo quy định là 20 triệu đồng. Gói thầu B tương tự A, chi phí lập hồ sơ mời thầu tối đa là 10 triệu đồng (50% của 20 triệu đồng).
– Tổ chức đấu thầu lại một phần gói thầu chia phần: Chi phí tối đa 50% theo giá trị ước tính của phần tổ chức đấu thầu lại.
Ví dụ: Gói thầu C chia 2 phần, phần 1 giá trị 100 triệu đồng, phần 2 giá trị 50 triệu đồng. Cần tổ chức đấu thầu lại phần 1. Chi phí tối đa là 50 triệu đồng (50% của 100 triệu đồng).
– Tổ chức lại lựa chọn nhà thầu: Tính toán, bổ sung chi phí lựa chọn nhà thầu vào dự án, dự toán mua sắm phù hợp với thực tế của gói thầu. Đồng thời, cần đảm bảo tính chính xác, hiệu quả và phù hợp với quy định.
– Đấu thầu quốc tế: chi phí dịch tài liệu được tính phù hợp với giá thị trường, bảo đảm hiệu quả của gói thầu.
Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kểt quả lựa chọn: Chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị. Mức chi phí tối thiểu và tối đa được quy định theo từng mức giá dự thầu khác nhau như sau:
– Giá dự thầu dưới 50 tỷ đồng: Tỷ lệ: 0,03% và tối thiểu: 5 triệu đồng.
– Giá dự thầu từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng: Tỷ lệ: 0,025% và tối thiểu: 15 triệu đồng.
– Giá dự thầu từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng: Tỷ lệ: 0,02% và tối thiểu: 25 triệu đồng.
– Giá dự thầu từ 200 tỷ đồng trở lên: Tỷ lệ: 0,015%, tối thiểu: 40 triệu đồng và tối đa: 60 triệu đồng.
Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ, trường hợp nhà thầu có kiến nghị không được mở hồ sơ đề xuất về tài chính thì việc xác định chi phí cho Hội đồng tư vấn căn cứ vào giá gói thầu.
Hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị:
– Kiến nghị được kết luận là đúng: Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm chi trả cho nhà thầu số tiền bằng chi phí giải quyết kiến nghị mà nhà thầu đã nộp.
– Kiến nghị được kết luận là không đúng: Nhà thầu không được hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị.
Hoàn trả chi phí khi nhà thầu rút đơn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu:
– Chưa thành lập Hội đồng tư vấn hoặc đã thành lập nhưng chưa họp: Nhà thầu được hoàn trả 50% chi phí đã nộp.
– Hội đồng tư vấn đã tổ chức họp: Nhà thầu không được hoàn trả chi phí.
– Đối với số tiền còn lại sau khi hoàn trả và chi theo quy định tại Điều 13 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn nộp vào danh sách Nhà nước trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày rút đơn.
Chi phí lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:
– Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực: 330 ngàn đồng/năm (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Áp dụng từ năm thứ hai trở đi sau năm đăng ký tham gia Hệ thống.
– Chi phí nộp hồ sơ dự thầu:
+ 330 ngàn đồng/gói thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường.
+ 220 ngàn đồng/gói thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với chào hàng cạnh tranh.
– Chi phí đối với nhà thầu trúng thầu:
+ Gói thầu không chia phần: 0,022% giá trúng thầu, tối đa 2 triệu 2 trăm ngàn đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
+ Gói thầu chia phần: Tổng chi phí nhà thầu trúng thầu không vượt quá 2 triệu 2 trăm ngàn đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Trường hợp 1: 0,022% nhân với tổng giá trị trúng thầu thấp hơn hoặc bằng 2 triệu 2 trăm ngàn đồng. Chi phí nhà thầu trúng thầu bằng 0,022% nhân tổng giá trị trúng thầu đối với các phần nhà thầu trúng thầu.
Trường hợp 2: 0,022% nhân tổng giá trị trúng thầu lớn hơn 2 triệu 2 trăm ngàn đồng. Chi phí nhà thầu trúng thầu bằng 2 triệu 2 trăm ngàn đồng nhân (tổng giá trị trúng thầu đối với các phần nhà thầu trúng thầu chia cho tổng giá trị trúng thầu của gói thầu).
– Chi phí kết nối chức năng bảo lãnh dự thầu điện tử: Xác định dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa đơn vị vận hành, giám sát Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan.
II. Nội dung chi phí giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu
– Phạm vi chi:
+ Chi trực tiếp thù lao cho các thành viên Hội đồng tư vấn thực hiện nhiệm vụ.
+ Chi công tác phí, văn phòng phẩm, dịch thuật, in ấn, họp và các chi phí khác phục vụ giải quyết kiến nghị.
– Mức chi: Áp dụng theo quy định đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Tổng mức chi không được vượt số tiền nhà thầu có kiến nghị đã nộp.
– Chứng từ: Thu, chi thực hiện theo quy định.
– Hoàn trả chi phí: Kết thúc vụ việc, xác nhận phần kinh phí đã thực chi. Chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có) được hoàn trả cho nhà thầu.
– Trường hợp kiến nghị đúng: Nêu rõ biện pháp, cách thức và thời gian khắc phục hậu quả (nếu có). Báo cáo người có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên đới chi trả cho nhà thầu số tiền đã nộp.
– Thù lao cho thành viên Hội đồng tư vấn: Việc chi thù lao cho thành viên Hội đồng tư vấn là công chức, viên chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
Xem chi tiết Luật đấu thầu 2023 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024) và Nghị định 24/2024/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 27/02/2024): https://drive.google.com/drive/folders/1Ag06Vcpq-oftla2oXkpsT0JshcFODQsa?usp=sharing
===================================
𝐕𝐈𝐄̣̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐕𝐀̀ Đ𝐀̀𝐎 𝐓𝐀̣𝐎 𝐁𝐀̂́𝐓 Đ𝐎̣̂𝐍𝐆 𝐒𝐀̉𝐍
Trường Đào Tạo Chuyên Gia Bất Động Sản
T.ư v.ấn qua za.lo : https://zalo.me/0859143143
T.ư v.ấn qua Me.ss: https://m.me/www.tri.edu.vn
Hotline: 0859.143.143 website: www.tri.edu.vn